1. Bệnh cơ xương khớp là gì?
Bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh, khiến người bệnh đau đớn, giảm khả năng di chuyển, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Có hơn 200 loại bệnh cơ xương khớp, được chia thành hai nhóm chính:
– Nhóm do chấn thương: Tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt, thể thao.
– Nhóm không do chấn thương: Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống, lupus ban đỏ, gout, thoái hóa khớp, viêm gân và u xương.
2. Các bệnh cơ xương khớp thường gặp
*Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương, dẫn đến viêm và tràn dịch khớp. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, người béo phì hoặc chấn thương tại khớp. Các triệu chứng phổ biến:
– Đau âm ỉ khớp khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
– Cứng khớp vào buổi sáng.
– Lạo xạo khi cử động khớp.
– Biến dạng khớp, đặc biệt là ở khớp gối, tay.
*Thoát vị đĩa đệm cột sống
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép dây thần kinh, gây đau và tê liệt. Nguyên nhân có thể do lão hóa, ngồi lâu, mang vác nặng hoặc béo phì. Triệu chứng bao gồm đau lan xuống chân, tay, tê bì và châm chích. Trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật.
*Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống chèn ép dây thần kinh tọa. Người bệnh cảm thấy đau từ vùng thắt lưng lan xuống mông, chân. Nếu không điều trị sớm, có thể dẫn đến teo cơ và yếu liệt.
*Viêm khớp dạng thấp
Đây là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trung niên, gây sưng, đau và hạn chế vận động khớp. Biến chứng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, phổi, mắt. Viêm khớp dạng thấp kéo dài có thể gây biến dạng khớp và giảm chất lượng cuộc sống.
*Gout
Bệnh gout do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tăng axit uric trong máu và lắng đọng tinh thể urat tại khớp. Người bệnh có các cơn viêm khớp cấp tính, sưng, đỏ, đau dữ dội, đặc biệt ở ngón chân cái, khớp gối. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến dạng khớp, suy thận và suy tim.
*Viêm điểm bám gân
Viêm gân xảy ra khi gân bị tổn thương do hoạt động quá mức hoặc bệnh lý viêm hệ thống. Các triệu chứng phổ biến như đau vùng gân, hạn chế vận động và viêm tại điểm bám gân. Bệnh thường gặp ở những vị trí như gân gót chân, gân cơ chóp xoay vai, gân cơ chân ngỗng.
*Loãng xương
Loãng xương là tình trạng xương bị suy yếu, giảm mật độ và dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ. Người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao. Loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ được phát hiện khi xảy ra gãy xương.
*Bệnh cơ xương khớp do chấn thương
Tai nạn trong sinh hoạt, thể thao có thể gây đau nhức cơ xương khớp, từ căng cơ nhẹ đến gãy xương nghiêm trọng. Những chấn thương này cần điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
3. Cách phòng ngừa bệnh cơ xương khớp
– Dinh dưỡng: Bổ sung canxi từ sữa, cá, tôm, các loại hạt và rau xanh.
– Vận động: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để bảo vệ cơ xương khớp.
– Sinh hoạt và làm việc: Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, thay đổi tư thế thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý.
– Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên khớp.
-> Việc phòng ngừa các bệnh cơ xương khớp là rất quan trọng, giúp bạn duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn.